Đối mặt với tình trạng dân số già, tỉ lệ sinh giảm và thiếu nguồn lực lao động, Chính phủ Đài Loan đã lên kế hoạch nhằm thu hút sinh viên quốc tế và “giữ chân” nhân tài sau khi tốt nghiệp đại học ở lại làm việc.
Thu hút du học sinh và “giữ chân” nhân tài là mục tiêu của Đài Loan
Nhằm đạt được mục tiêu thu hút 320.000 du học sinh vào năm 2030, Bộ Giáo dục Đài Loan sẽ thành lập văn phòng đại diện tại các quốc gia bao gồm Việt Nam, Indonesia và Philippines. Vào năm 2022, Đài Loan có khoảng 19.000 sinh viên quốc tế.
Trước bối cảnh Đài Loan đang phải đối mặt với tình trạng dân số già và tỉ lệ sinh giảm, các chuyên gia cho biết, Chính phủ Đài Loan phải thực hiện một số chiến lược để chủ động thu hút nguồn nhân tài quốc tế. Có như vậy, đất nước này mới có thể lấp đầy khoảng trống về nhân lực trong nước và tăng cường khả năng cạnh tranh công nghiệp.
Các chính sách của Đài Loan hiện nay gây áp lực cho người lao động với số giờ làm việc nhiều. Trong khi đó, mức lương hiện nay của người lao động Đài Loan chỉ bằng 1/3 mức lương của người lao động tại Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Điều này đã khiến người dân Đài Loan không muốn sinh con hoặc muốn di cư sang quốc gia khác để làm việc với mức lương cao hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đài Loan, Liu Mon-chi, chiến lược sẽ tập trung vào việc thu hút sinh viên các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học do nhu cầu mạnh mẽ về nhân tài trong các lĩnh vực này từ các công ty Đài Loan.
Cụ thể, Chính phủ Đài Loan sẽ đầu tư khoảng 162 triệu USD vào kế hoạch này nhằm giúp sinh viên quốc tế đủ điều kiện có thể nộp đơn tham gia học bổng chính phủ và xin trợ cấp sinh hoạt từ các công ty tài trợ.
Chính sách này sẽ dành cho phần lớn những sinh viên quốc tế học bằng kép, hoàn thành chương trình đào tạo 2 năm ở nước họ và 2 năm ở Đài Loan.
Nhận học bổng của Chính phủ Đài Loan đem lại lợi ích gì cho du học sinh?
Tham gia chính sách này, sinh viên quốc tế sẽ phải ở lại và làm việc cho công ty tại Đài Loan đã trao tài trợ cho mình thêm 2 năm sau khi tốt nghiệp, nếu không thì phải hoàn trả lại học bổng. Cùng với các công ty trong việc thực hiện kế hoạch giữ chân sinh viên quốc tế, Chính phủ Đài Loan sẽ chuẩn bị hợp lý hóa các quy trình đảm bảo quyền cư trú tại quốc gia này.
Bộ Giáo dục Đài Loan cho biết, kế hoạch này tách biệt với kế hoạch thu hút sinh viên đại học theo học các khóa học đầy đủ tại Đài Loan của Chính phủ nước này.
Đầu năm 2023, một cơ quan giám sát của Chính phủ Đài Loan đã cáo buộc Bộ Giáo dục và Lao động nước này về việc không có cơ chế bảo vệ sinh viên nước ngoài khỏi bị bóc lột lao động. Vậy nên chính sách học bổng mới này sẽ giúp sinh viên không phải đối mặt với những vấn đề như vậy nữa.
“Nhận được học bổng do Chính phủ Đài Loan cung cấp, sinh viên quốc tế có thể dễ dàng tập trung vào việc học trong 2 năm. Học bổng sẽ tài trợ vé máy bay một chiều, phí xin visa, học phí và lệ phí đại học”, Yang Yu-hui – Giám đốc Sở Công nghệ và Giáo dục nghề nghiệp Đài Loan thông tin.
Đồng thời, theo Giám đốc Yang Yu-hui, các công ty Đài Loan sẽ làm việc với các trường đại học để đưa ra các chính sách về khoản trợ cấp hàng tháng và các cơ hội việc làm khác nhằm thu hút sinh viên quốc tế.
“Khoản trợ cấp hàng tháng cho 1 sinh viên có thể khoảng 312 USD. Số tiền này đủ để họ trang trải chi phí hàng ngày”, Yang Yu-hui nói thêm.
Trước đó vào năm 2016, Đài Loan đã đưa ra một số chính sách nhằm xây dựng quan hệ với các nước thuộc Đông Nam Á, Nam Á và Australia, bao gồm cả việc tăng cường quan hệ giáo dục bằng cách cấp học bổng cho sinh viên ở các khu vực này.
Christopher Green – nhà nghiên cứu tại Khoa Giáo dục của Đại học Quốc gia Chiayi, Đài Loan cho biết, sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học có thể gặp khó khăn khi tìm việc làm ở Đài Loan, một phần do rào cản ngôn ngữ.
Theo nhà nghiên cứu Christopher Green, tuyển sinh sinh viên quốc tế là “chìa khóa” thành công của tất cả các trường đại học cả tư thục và công lập.